Thứ Ba, 21 tháng 3, 2023

Các Bài Suy Niệm Lễ Tro & Chúa Nhật 1 Mùa Chay A

 

1. Chiến thắng tử thần – ViKiNi

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. ViKiNi)

Ngày 24/05/1979, Ông Mc. Namara, chủ tịch Ngân hàng Thế giới 11 năm, đã cảnh giác thế giới mỗi năm phung phí vào việc sản suất võ khí giết người 30 tỷ đô la với 500.000 bác học và kỹ sư.

Ngày 26/08/1986, đài Hànội loan tin Mỹ dự trù 1.000 tỷ đô la vào nghiên cứu chiến tranh tinh cầu. Mỹ dã ba lần thử bắn hỏa tiễn phá vệ tinh đang bay. Đó là cách hủy diệt loài người.

Lúc nào thế giới cũng chọn sự chết hơn sự sống. Adam Eva dù được sống sung sướng trong vườn thượng uyển đầy của ngon vật lạ dưới bóng cây sự sống, cây sự thiện của Thiên Chúa, ông bà vẫn chạy theo tử thần (Bài 1).

Phần Đức Giêsu, Người đã chạy theo Thánh thần, theo thần Sự sống. Dù phải sống trong hoang địa khô cằn kham khổ, Ngài vẫn chọn lối sống hiến dâng toàn thân cho Cha trên trời. Ngài không màng chi lương thực lạc thú danh vọng và của cải vật chất. Ngài thực sự chỉ chuyên lo sống mật thiết trọn vẹn trong tình cha con với Thiên Chúa. Trong những giờ phút linh thiêng nhất đó, quỷ dữ đã mò tới tấn công mãnh liệt để phá vỡ mối tình thắm thiết giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa, như nó đã phá vỡ cuộc sống thân thiết giữa Adam và Thiên Chúa. Nó không muốn Người được làm Con Thiên Chúa nên nó nói: Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa nên bánh,… thì hãy gieo mình xuống… Nó tôn Ngài làm Con Thiên Chúa để phỉnh lừa Ngài theo nó. Nếu trổ tài làm theo quỷ, tất nhiên là thuộc về quỷ, đâu còn thuộc về Thiên Chúa nữa. Ôi, lậy Chúa, quỷ dữ cực kỳ xảo quyệt!

Đức Giêsu sống trên dương thế như một vị cứu tinh đứng giữa sự sống và sự chết, giữa trời và hỏa ngục, như Adam Eva đứng giữa cây sự sống và sự chết, giữa Thiên Chúa và quỷ dữ. Adam Eva đã bị quỷ dữ đánh lừa. Trái lại, Đức Giêsu đã luôn luôn chọn Thiên Chúa không để quỷ dữ đánh bại, Người phải đánh bại quỷ dữ để giải phóng loài người thoát ách tử thần quỷ dữ.

Tử thần thứ nhất là cơn đói khát của thân xác, lúc nào cũng đòi lạc thú, nấp bóng dưới dạng no say, si mê tứ khoái: mê rượu, mê dâm, mê bạc, mê ma túy. Càng mê càng khổ, đến tan xác mới hết mê. Đức Giêsu đã chiến thắng quỷ dữ đó bằng sống lời Chúa: “Người ta sống không nguyên bởi bánh nhưng bởi mọi lời Thiên Chúa phán ra”.

Tử thần thứ hai là kiêu ngạo thử thách Thiên Chúa phải làm cho mình những điều lạ lùng càn dở: “Cứ gieo mình xuống Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ nâng đỡ bạn khỏi vấp chân vào đá”, làm theo quỷ nịnh hót chắc chắn tan xác, nên Đức Giêsu đã nói: “Ngươi đừng thử thách Thiên Chúa”. Người đã đánh bại quỷ dữ bằng đường lối sống hoàn toàn hạ mình xuống, phó thác trọn vẹn vâng theo thánh ý Chúa, dù phải chịu đau khổ và chết trên thập giá.

Tử thần thứ ba là tiền của, biết bao nhiêu kẻ đã phục mình xuống luồn cúi chạy chọt vì tham ô, móc ngoặc, phạm những tội tầy trời. Salômôn hàng năm thâu vào kho 666 tạ vàng, cứ ba năm ông cho đoàn tầu đi chở vàng bạc châu báu ngọc ngà về. Sống trên núi vàng tiền của, ông phục mình xuống thờ lạy tà thần trụy lạc, làm ô danh Thiên Chúa đã ban cho ông được khôn ngoan nhất thiên hạ. Mạc đăng Dung, một kẻ vũ phu, ham giầu, ham danh, đã chiếm ngôi vua Lê chiêu Tôn, tưởng được hưởng mọi vinh hoa phú quý. Ai ngờ phải tự trói mình đi đến tận ải Nam Quan quỳ lậy nộp mình cho quân Minh xin tha chết. Một vết nhơ nhất trong lịch sử Việt Nam. Quỷ đã dùng bả vinh hoa đó nhử bao nhiêu người xuống hố diệt vong.

Trước những mưu mô hiểm độc của quỷ dữ, Đức Giêsu đã quyết liệt đuổi quỷ cút đi lập tức: “Quỷ satan kia, xéo đi! vì ngươi phải thờ lậy Thiên Chúa là Chúa ngươi, và thờ lậy một mình Người mà thôi”.

Lậy Chúa Giêsu, Chúa đã thẳng tay xua đuổi quỷ xéo đi, nhưng “chúng vẫn còn rình mò chúng con như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cấu xé” (1Pr. 5). Xin Chúa mau đến giải thoát chúng con khỏi nanh vuốt tử thần quỷ dữ, cho chúng con an tâm vững chí sống theo lời Chúa và tiến bước trên đường phụng sự Chúa đến hơi thở cuối cùng. Amen.

2. Cám dỗ

Con người ngay từ buổi đầu được dựng nên, đã bị cám dỗ và con người đã sa ngã trong cơn cám dỗ ấy. Lịch sử của dân Do Thái, từ sa mạc cho đến miền đất hứa là một chuỗi những bất trung không ngừng. Là người tín hữu, chúng ta không xa lạ gì với những thử thách và cám dỗ, bởi vì chính Chúa Giêsu cũng đã trải qua cái kinh nghiệm sống động ấy. Với những cám dỗ gặp phải, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy mức độ dấn thân làm người của Người, đồng thời tăng thêm sức mạnh để chúng ta lướt thắng những gian nguy thử thách giữa lòng cuộc đời.

Con đường cứu độ của Chúa không phải là một con đường trải thảm, không phải là một con đường với những hoa thơm cỏ lạ, nhưng là một con đường đấu tranh đầy cam gọ, đầy lựa chọn. Những cơn cám dỗ Chúa Giêsu đã gặp phải là của cải, danh vọng và quyền lực. Đó cũng là những cám dỗ muôn thuở của con người, cũng như của bản thân chúng ta.

Tuy nhiên điều đã trở thành niềm tin, và cũng là bài học cho chúng ta, đó là Chúa Giêsu đã chiến thắng những cám dỗ nói trên. Người đã có những chọn lựa của Người đứng trước những cảnh huống đòi phải chọn lựa. Thực vậy, trước cơn cám dỗ về của ăn, Người đã trả lời: Người ta sống không nguyên bởi bánh mà còn bởi những lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Trước cám dỗ về quyền lực, Người đã khẳng định: Hỡi Satan, ngươi phải thờ lạy và phụng sự một mình Thiên Chúa. Và Người cũng đã có câu trả lời dứt khoát khi Satan cám dỗ Ngài về sự ỷ lại có tính cách thách thức Thiên Chúa.

Tin Mừng còn cho thấy Người đã chọn lựa không phải bằng những lời tuyên bố suông, mà là bằng chính mạng sống của Người. Người đã phải trả giá cho điều Người lựa chọn bằng chính cái chết nhục nhã trên thập giá. Sự chọn lựa của Chúa Giêsu cũng phải là sự lựa chọn của mỗi người chúng ta. Không chấp nhận miếng ăn ngon, nhà cao cửa rộng, tiền bạc đầy túi, địa vị cao sang bằng cách gian tham, bóc lột và chà đạp kẻ khác. Phải biết chia sẻ và giúp đỡ người khác với tâm tình tôn trọng phẩm giá và quyền lợi của họ. Phải biết sử dụng địa vị và quyền hành của mình hầu góp phần xây dựng cho xã hội này, cho giáo xứ mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Có vượt qua cám dỗ như thế, thì rồi chúng ta mới được chia sẻ phần vinh quang phục sinh với Ngài.

3. Người ta sống

Người ta sống không nguyên bởi bánh.

Chúa Giêsu người đã nói câu đó, không phải là một kẻ mơ mộng hoặc chỉ sống bằng những lý tưởng cao đẹp, hoặc đã có dư ăn dư mặc để có thể dễ dàng lên mặt dạy đời về sự tầm thường của vật chất. Ngài hiểu rõ giá trị của đồng tiền bát gạo vì đã khó nhọc làm ăn nuôi sống gia đình. Ngài biết rằng có thực mới vực được đạo, bằng chứng là có lần Ngài đã phải nuôi ăn cho một đám đông đói khát sau những ngày tìm đến với mình để được nghe giảng dạy. Ngài cũng biết rằng bần cùng sinh đạo tặc, bởi vì Ngài đã thường xuyên lui tới với những đám người khốn khổ nhất của xã hội, biết rõ hoàn cảnh đời sống của họ. Thế nhưng Ngài vẫn nhất định không để cho nhu cầu thiết yếu và căn bản ngự trị trên các nhu cầu khác của con người. Ngài nhất định không coi của cải vật chất là tất cả đến nỗi phải làm bất cứ cách nào cho có được.

Người ta sống không nguyên bởi cơm bánh.

Có một thời cách đây không lâu, chúng ta ngơ ngác không hiểu tại sao thanh niên Âu Mỹ lại chán chường, nổi loạn, phá phách hay làm những chuyện điên rồ, có vẻ vô nghĩa, khi mà họ đã có thừa mứa mọi tiện nghi hưởng thụ. Sở dĩ như thế vì lớp thanh niên này có mọi thứ, nhưng lại thiếu lý tưởng, thiếu lẽ sống, thiếu cái gì cao cả để mà vươn lên. Thời ấy, chúng ta nghe, nhưng vẫn cảm thấy đó là những điều hơi xa lạ và viễn vông. Bây giờ, khi nhìn thấy một lớp trẻ sống thực dụng, không lý tưởng, bất chấp đạo nghĩa, đặc biệt là những hạng con ông cháu cha trong xã hội, thì chúng ta mới thực sự thấm thía. Cha ông chúng ta vốn thường dạy: Tốt danh hơn lành áo. Chết vinh hơn sống nhục. Ở đời muôn sự của chung, hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi. Còn giới trẻ hôm nay thì đã phản ứng ngược lại.

Thầy giáo kể lại câu chuyện về cha Maximilien Kolbê, người đã tình nguyện chết thay cho một bạn tù, là người cha còn trẻ trong gia đình, bị Đức quốc xã giam cùng trại với cha. Vị linh mục nói: Tôi già rồi nếu có sống thì cũng không có lợi ích và cần thiết bằng người cha gia đình này. Nghe xong, một cậu học trò đã phê bình một câu sắc như nhát chém: Sao mà ngu thế.

Ngoài cơm bánh, chúng ta còn đói khát rất nhiều thứ khác, chẳng hạn như đói khát sự thật, đói khát tình thương, đói khát tự do, đói khát phẩm giá, đói khát lòng kính trọng, đói khát kiến thức, đói khát lẽ sống và lý tưởng.

Chúng ta cần phải giúp cho bản thân cũng như cho người khác, để chúng ta cùng nhau vươn lên, vươn lên mãi, cho đến khi gặp được nguồn chân thiện mỹ mới thôi.


4. Khiêm tốn sám hối và sửa mình – Huệ Minh

Trang Tin Mừng này được liên kết với trang Tin Mừng về phép Rửa. Tại sông Giođan, Thần Khí Thiên Chúa đã được ban cho Đức Giêsu, nay cũng Thần Khí ấy lại dẫn Người vào hoang địa. Chiều hướng của bản văn là: Bởi vì Đức Giêsu đến hoàn tất nỗi chờ mong của dân Người, nhất thiết Người phải đảm nhận mọi chiều kích của lịch sử dân Người: ở tại Ai Cập (2,13-15), đi qua sông Giođan (3,13-17), cám dỗ trong hoang địa (4,1-11). Qua các cám dỗ, Đức Giêsu cho thấy Người chấp nhận trọn vẹn thánh ý Chúa Cha; Người loại trừ mọi thứ cung cách Mêsia mà Thiên Chúa không muốn (mà chính Gioan Tẩy Giả đã hình dung), để chấp nhận làm một Mêsia chịu đóng đinh.

Sau khi Đức Giêsu ăn chay 40 đêm ngày. Ma quỷ đề nghị Người biến đá thành bánh mà ăn. Thật là một đề nghị hợp lý. Đói thì phải ăn. Muốn ăn thì phải có bánh. Nhưng có bánh bằng cách nào mới là vấn đề. Không phải cứ có nhu cầu là phải thoả mãn ngay. Và nhất là không được dùng những cách không hợp đạo lý để thoả mãn những nhu cầu của mình. Cơm bánh tượng trưng cho những nhu cầu thiết yếu của con người. Nhu cầu của con người thì có nhiều và có khuynh hướng ngày càng gia tăng. Vì thế cơn cám dỗ thoả mãn nhu cầu ngày càng lớn.

Trang Tin Mừng trình thuật về ăn chay và cám dỗ tập trung vào các biến cố của cuộc Xuất Hành. Dân Israel cũng là “con yêu dấu của Thiên Chúa”, nhưng tất cả hành trình trong hoang địa cho thấy họ đã là mộtđứa con nổi loạn và thất trung. Quả thật, ngôn ngữ của câu đầu đã khiến ta nhớ đến Đnl 8,2 và như ám chỉ đến hoàn cảnh của Israel tại hoang địa: “… Thiên Chúa đã dẫn…, như vậy Người thử thách…”.

Bản văn Đệ Nhị Luật nói rằng Thiên Chúa “thử thách” dân để “biết lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh của Người hay không”. Còn ở đây, trong bản văn Mt, “thử thách” là để phá hỏng và kẻ “thử thách” là quỷ, chứ không phải là Thiên Chúa. Tại hoang địa, Đức Giêsu vừa tóm kết kinh nghiệm của Môsê và Êlia, vừa tóm kết lịch sử của dân Israel trong hoang địa.

Người ăn chay suốt bốn mươi ngày bốn mươi đêm (2): Con số 40 chỉ mộtthời gian khá dài và có sắc thái là mộtsự hoàn tất với kết quả tích cực là giải phóng và xây dựng con người. So với Lc, Mt thêm “bốn mươi đêm” để ám chỉ thời gian Đức Giêsu ở trong hoang địa tương đương với thời gian Môsê ăn chay trên núi cao để rồi sau đó được Đức Chúa ban cho các điều khoản của Giao ước (Xh 34,28; x. Xh 25,18).

Nhưng cũng có thể Mt muốn ám chỉ đến Êlia nữa (x. 1 V 19,8: ăn chay trong hành trình tiến về núi Khôrép). Hai dung mạo vĩ đại này, đại diện cho Lề Luật và các Ngôn sứ, sẽ tái xuất hiện trong cuộc Hiển Dung của Đức Giêsu (cuộc Hiển Dung này chính là cuộc thần hiển. Sau đó sẽ có việc thiết lập Giao Ước mới nhờ cuộc Khổ Nạn–Phục Sinh của Đức Giêsu). Có lẽ Mt muốn nói rằng việc Đức Giêsu ăn chay đã tóm kết cách nào đó kinh nghiệm của Môsê và Êlia, cũng như các cám dỗ sẽ tóm kết lịch sử của Israel tại hoang địa.

Các cám dỗ nhắm tấn công Đức Giêsu trong tư cách Mêsia và Người Con vâng phục và trung thành của Thiên Chúa. Quỷ xúi Đức Giêsu lạm dụng lời quyền năng của Người, rồi xúi Người ỷ lại vào quan hệ giữa Người với Thiên Chúa, và cuối cùng, xúi Người bỏ đi lòng trung nghĩa với Thiên Chúa. Chiến thắng của Người rất quan trọng. Nó xóa đi những bóng tối đã tích tụ lại trong lịch sử dân Thiên Chúa và nó cũng gợi ra chiều hướng dấn thân phục vụ ơn cứu độ. Thay vì chọn làm một Mêsia-Phù thủy hay một Mêsia-Thủ lãnh, Đức Giêsu chọn làm Mêsia-Tôi tớ khiêm nhường. Khi đó, Người vẫn là Người Con vâng phục, và cũng là Israel chân chính và hoàn hảo.

Với cơn cám dỗ thứ nhất, ma quỷ muốn xô đẩy con người làm nô lệ cho dục vọng. Xúi giục con người chỉ tìm thoả mãn những bản năng thấp hèn. Giới hạn con người vào sự sống xác thịt. Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu của ma quỷ khi Người cho biết con người không chỉ có đời sống thể lý mà còn có đời sống tâm linh. Người nâng cao phẩm giá con người khi quyết tâm chống lại cơn cám dỗ thoả mãn những nhu cầu thân xác để chăm lo cho sự sống tâm linh.

Với cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ muốn biến con người thành nô lệ cho tham vọng, nô lệ cho ma quỷ. Vì ham hố chức quyền, vì mưu cầu danh vọng mà đánh mất tự do của mình, cam tâm làm nô lệ cho ma quỷ. Vì tham vọng mà đánh mất chính mình. Đức Giêsu vạch trần âm mưu đen tối của ma quỷ khi cương quyết chối từ danh vọng quyền thế. Người còn chỉ cho ta con đường duy nhất phải theo đó là thờ phượng Thiên Chúa. Chỉ có thờ phượng Thiên Chúa mới đem đến cho con người tự do đích thực, tự do trong tâm hồn, không bị nô lệ một tham vọng nào.

Với cơn cám dỗ thứ ba, ma quỷ đẩy con người vào nô lệ cho cuồng vọng. Điên cuồng đến chống lại Thiên Chúa. Dùng Thiên Chúa để phục vụ cho những ước vọng ngông cuồng của mình. Không đến với Chúa trong tâm tình của người con thảo đối với Cha hiền. Đức Giêsu đã vạch trần âm mưu của ma quỷ. Người chỉ cho ta con đường của người con hiếu thảo. Người con hiếu thảo tin cậy phó thác và luôn làm theo ý Cha, chứ không bao giờ dám thách thức Cha. Người con hiếu thảo vâng lệnh Cha sai bảo chứ không bao giờ dám sai bảo Cha.

Cám dỗ của ma quỷ hiểm độc vì nó tiến từng bước: Từ hạ thấp phẩm giá con người khi khiến con người làm nô lệ cho dục vọng đến cướp mất tự do của con người khi xúi giục con người nô lệ cho ma quỷ.

Và sau cùng đi đến chỗ tận cùng là chối bỏ Thiên Chúa, không coi Thiên Chúa là cha. Cám dỗ càng hiểm độc vì ma quỷ đã khéo léo học những âm mưu thâm hiểm trong lớp vỏ nhung lụa, êm ái, hợp lý và đầy quyến rũ của những nhu cầu, quyền lực và uy tín.

Chúa Giêsu nói “không” với quỷ, nhưng cũng phải nói “không” với chính mình, bởi vì con đường Người theo kềm hãm các khát vọng và những đòi hỏi của bản tính tự nhiên. Các phản ứng của Người trước đau khổ, những tủi nhục, những thất bại, thì cũng giống như mọi người. Người không thể phạm tội, nhưng Người có thể chọn con đường chung của mọi người, là sự thỏa thuê. Vinh quang không phải là một tội, mà còn là mộtquyền Người có thể dùng. Sự rút lui của quỷ chứng tỏ đây không những là mộtchiến thắng của chủ trương Mêsia khiêm nhường và phục vụ như tôi tớ, mà còn là mộtchiến thắng riêng của Đức Giêsu. Người đã không nhường bước cho mộtnẻo đường tiện nghi thoải mái, đã không muốn hưởng trước một thành công; nhưng Người đã tôn trọng con đường đã được chọn cho Người dù phải hy sinh, thiệt thòi. Rời khỏi hoang địa, không những Người được thánh hiến mà còn đủ tư cách Mêsia.

Mùa Chay giúp chúng ta nhìn nhận thân phận mình, với biết bao yếu đuối và lỗi lầm, rất cần được Chúa tha thứ và đỡ nâng. Ông Môsê đã chỉ dẫn cho người Do Thái, khi đến dâng của lễ, hãy thưa với Chúa về nguồn gốc du mục của mình và nhớ lại những điều tốt lành Ngài đã làm với tổ phụ họ, nhờ đó, họ dâng của lễ với lòng tri ân chân thành và đáng được Chúa chấp nhận. Nhìn nhận thân phận mình sẽ giúp chúng ta khiêm tốn và sám hối sửa mình, và nhờ đó, chúng ta được đón nhận lòng Chúa xót thương.

                                                                                                Nguồn ST internet